Chỉ có ông Bốn Lai rượt ông qua cầu treo. Chi tiết này chú Ngãi đã nói đúng. Khi biết được chuyện đó qua lời kể của ông Bốn Lai, ông Hai Sắn, ông Bảy Thành và chú Ngãi đều tin rằng ông Hương lẻn vào nhà ông Bốn Lai để trộm kỳ nam, bị ông Bốn Lai phát hiện và xách súng rượt theo. Đoạn kết thì ai cũng biết: ông Hương trong khi tẩu thoát, chẳng may sẩy chân rớt xuống sông bị nước cuốn mất tích.
Những người thợ săn tốt bụng lúc đó đều nhất trí kể lại câu chuyện theo cách khác, trước hết bịa ra một bọn cướp sau đó bịa ra thêm một người anh hùng bắt cướp để đứa con ông Hương có thể lớn lên một cách tự nhiên như mọi đứa trẻ khác trong làng.
Chú Ngãi và những người bạn đã hành động theo tiếng gọi của lương tri, vì mặc cảm về danh dự gia đình là nỗi khổ tâm lớn lao có thể làm thui chột tâm hồn non nớt của một đứa bé, nhưng khi chú mất bình tĩnh đến mức phun ra tất cả bí mật giấu kín trong bao nhiêu năm thì lòng tốt của chú đã trôi theo dòng nước nhưng cũng nhờ vậy mà câu chuyện bất ngờ mở ra thêm một cánh cửa khác.
Con Rùa đã khóc rất nhiều ngay sau khi bị những người thợ săn chặn đường trong buổi trưa đầy nắng đó.
Con Rùa không vào rừng nữa. Kể từ hôm đó, mỗi ngày khi mặt trời trượt dần xuống bên kia đồi và trong không khí bắt đầu sực nức mùi hoa dại, người làng thường bắt gặp nó đứng thẫn thờ giữa cầu treo cắm mặt xuống dòng sông. Nó đứng đó, trầm tư, xa cách, một mình một thế giới, và khi trong làng dậy lên tiếng xì xào rằng cháu nội của thầy Điền bị điên thì ông Bốn Lai lặng lẽ xách súng đi tìm nó.
Chú Ngãi đã nói ra sự thật nhưng đằng sau sự thật đó hóa ra còn có một sự thật khác. Một tháng sau ngày chú Ngãi tiết lộ về nguyên nhân cái chết của ông Hương, trên chiếc cầu lộng gió và không ngừng đu đưa ông Bốn Lai đã nói với con Rùa rằng chuyện ông hái được kỳ nam trong rừng chỉ là tin đồn nhảm. Kỳ nam là một sản vật quí hiếm chứa nhiều tinh dầu chỉ được sinh ra trong lõi của cây gió, là loại cây không mọc ở địa phương.
Trong cái đêm định mệnh đó, ông Hương có vào nhà ông Bốn Lai thật nhưng chỉ để đánh cắp súng kíp của người thợ săn. Trước khi đột nhập một ngày, trong một bữa rượu giữa hai ông với nhau, ông Hương đã kịch liệt phản đối ông Bốn Lai khi ông này bộc lộ ý định bắn hạ bầy khỉ đuôi dài mới về trú ngụ trong rừng. Dạo đó có người về làng hỏi mua cao khỉ và món lợi quá hấp dẫn đã khiến ông Bốn Lai, cho tới lúc đó chưa từng xem khỉ là một loại thú săn vì vậy vẫn chưa biết tới phương pháp bẫy khỉ, quyết định phục kích bầy khỉ vào hai ngày sau – thời điểm mà ông tin bầy khỉ đã quen lui tới khu vực ông đã chọn sẵn với những trái bắp làm mồi nhử.
Ông Hương khi thấy không thể thuyết phục được người bạn của mình, đã quyết định ra tay. Vào đêm trước ngày ông Bốn Lai vào rừng, ông Hương đã lẻn vô nhà người thợ săn lấy đi khẩu súng kíp và rủi ro bị chủ nhà phát hiện.
Ông Bốn Lai lúc đó đuổi theo ông Hương thực ra chỉ để đòi lại khẩu súng săn nhưng tiếng chân rượt bắt huỳnh huỵch đã khiến chó trong làng sủa vang, và đến khi cái tin ông Hương sẩy chân rớt khỏi cầu treo bị nước cuốn trôi lan ra thì câu chuyện ông Hương đuổi cướp được những người thợ săn thêu dệt và đi kể khắp làng. Theo kịch bản của phường săn thì đêm hôm đó nhóm cướp ba người tấn công nhà ông Bốn Lai để truy lùng nơi cất giấu kỳ nam, chẳng may gặp ông Hương đi ngang thế là hai ông hợp lực chống cự và đuổi bọn cướp chạy tới cầu treo, và nếu ông Hương không bất hạnh ngã xuống sông chắc chắn hai ông đã tóm được bọn cướp.
Sự thật về mục đích đột nhập của ông Hương, ông Bốn Lai giấu cả ông Bảy Thành, ông Hai Sắn và chú Ngãi. Ông sợ pháp luật khép ông vào tội ngộ sát và ông sẽ phải vào tù. Nhưng bây giờ khi thời gian đã lăn bánh quá xa, đặc biệt khi thấy con Rùa có vẻ như sắp bị câu chuyện của chú Ngãi đè bẹp, ông quyết định không giữ im lặng nữa.
Ông thú nhận với con Rùa như vậy. “Hôm đó, ông Bốn Lai vừa nói vừa rơm rớm nước mắt”, con Rùa kể với tôi bằng thứ giọng pha trộn nhiều cảm xúc. Nó bảo lúc đó sau khi thổ lộ hết sự thật với nó, ông Bốn Lai đã dang tay ném khẩu súng kíp xuống sông. Ông bảo ông đã quyết định từ bỏ nghề săn. Tuy ông không nói gì thêm với con Rùa nhưng tôi hiểu đó là cách ông tạ lỗi với hai cha con nó, cũng là để cho chính ông được nhẹ lòng.
Không chỉ ông Bốn Lai, những người thợ săn khác khi biết được sự thật đằng sau cái chết của ba con Rùa cũng lập tức bỏ nghề.
Con Rùa bảo trước khi vào Tam Kỳ lập nghiệp chú Ngãi có đến tìm nó để xin lỗi. Và nó nói tôi nó chẳng thấy chú Ngãi có lỗi gì, thậm chí nó còn biết ơn chú vì nếu chú không bức xúc nói lung tung thì ông Bốn Lai đã không có cơ hội minh oan cho ba nó.
Dưới bóng cây bướm bạc, câu chuyện của con Rùa sưởi ấm lòng tôi từng phút một. Tôi cảm thấy dù sao số phận cũng không đến nỗi tước hết của con Rùa mọi niềm vui sống và nếu địa ngục từng trút lên đầu nó thì bây giờ ít ra cũng có vài cái vạc dầu được nhấc đi.
Những ý nghĩ trong đầu tôi còn đi xa hơn khi tôi lờ mờ nhận ra sự kiện mẹ con Rùa bỏ nhà ra đi ngay sau cái chết của ba nó có thể xuất phát từ việc bà nghi ngờ và thất vọng về tư cách của chồng mình giống như ông Bảy Thành, ông Hai Sắn và chú Ngãi đã nghĩ như vậy trong một thời gian dài. Tôi chỉ không hiểu tại sao bà không đem theo đứa con bé bỏng của bà. Bà không có cơ hội hay bà cố tình lưu lại đứa cháu nội để ba mẹ chồng không phải sống lủi thủi sau cái chết của con trai?
Dĩ nhiên tôi đã không thốt ra thành lời những thắc mắc trong đầu vì tôi không muốn con Rùa đau lòng thêm lần nữa khi đào bới lại quá khứ.
Kết thúc câu chuyện về ba nó, hôm đó tôi chỉ nói một câu mà tôi tin con Rùa sẽ vui:
– Lạ thật! Cách em đối xử với các con vật giống hệt ba em.
…
Những gì con Rùa thuật cho tôi nghe về ông Bốn Lai và phường săn không chỉ giúp tôi cảm thấy đời không đến nỗi quá buồn mà còn gỡ tôi ra khỏi tình trạng khó xử trong buổi đầu tiên tôi quay về ngồi bên cạnh nó. Câu chuyện dài đến mức khi con Rùa kể xong thì đã đến giờ tôi phải về nhà đi ngủ, nhờ vậy mà con Rùa không kịp nối lại câu chuyên tâm tình dang dở mặc dù suốt từ lúc nó bắt đầu cho đến khi nó kết thúc câu chuyện, tay tôi vẫn nắm lấy tay nó.
Cô Út Huệ nhìn tôi bằng ánh mắt dò hỏi khi tôi thò đầu vào nhà (cũng có thể là tôi tưởng thế) và cảm giác đó khiến tôi bắt gặp mình đang xấu hổ và tôi phải quay mặt đi như vừa làm điều gì tồi tệ.
Tối đó tôi nằm lăn qua lăn lại trên tấm phản rộng, nghe tiếng côn trùng rỉ rả vọng vào từ ngoài vườn, tự nhiên thấy lòng buồn tênh. Tôi không biết tôi quay về làng Đo Đo để gặp lại con Rùa là đúng hay sai.
Nếu con Rùa biết được sự thật về mối quan hệ giữa tôi và nó, có lẽ tôi sẽ đỡ lúng túng hơn. Lúc đó, hẳn nó sẽ rất buồn nhưng chắc chắn nó sẽ không đòi tôi cầm tay nó.
Con Rùa cũng không biết tôi quyết định về làng chỉ vì tôi e rằng chứng bệnh nan y của tôi sẽ không cho tôi thêm cơ hội nào gặp lại nó nữa. Với tất cả những gì đẹp đẽ đã có giữa hai đứa tôi ba năm về trước, con Rùa chào đón sự trở về của tôi bằng sự mừng rỡ ngây thơ và niềm tin trong trẻo của nó vào tình yêu khiến tôi cảm thấy có lỗi với nó nhiều quá.
Lẽ ra tôi không nên trở về. Ừ, có lẽ thế thì tốt hơn cho cả hai! Trở về để vừa muốn nắm tay nó vừa không muốn nắm tay nó, vừa muốn nói với nó những ngày qua tôi nhớ nó biết bao, rằng gần như đêm nào tôi cũng mơ thấy nó vừa nghiến chặt răng để nuốt những lời yêu thương đó vào lòng quả là một cực hình đối với tôi.
Hôm sau đi học, con Rùa báo với bé Loan tôi đã về làng và buổi chiều nó chở con bé từ thị trấn theo về.
Bé Loan hò hét om sòm khi nhìn thấy tôi đứng trước cửa nhà cô Út Huệ ngó ra. Nó nhảy vội xuống khỏi xe, xách cặp chạy vù vào nhà ôm chầm lấy tôi và đấm vào lưng tôi thùm thụp. Con bé này lạ thật, năm mười tuổi thì nó mắc cỡ chẳng bao giờ chịu ôm tôi, bây giờ đã mười ba tuổi, đã ra dáng một thiếu nữ thì nó lại hành động như một đứa con nít.
Tối đó, lấy cớ ở nhà chơi với bé Loan sau nhiều năm xa cách, tôi không qua nhà con Rùa. Tôi sợ phải ngồi cạnh nó trên phiến đá năm nào, sợ nghe nó hỏi như nó vẫn luôn hỏi “Anh có thích em không?” và tôi sẽ không biết phản ứng như thế nào để nó không cảm thấy đau lòng.
Dĩ nhiên con Rùa chẳng nghi ngờ gì. Nó ra sau vườn bẻ ba ống đu đủ rồi sang nhà cô Út Huệ rủ tôi và bé Loan chơi trò thổi bong bóng. Một cô gái mười ba tuổi, một cô gái mười bảy tuổi và một người con trai hai mươi mốt tuổi xúm quanh thau nước xà phòng chơi trò trẻ con quả là kỳ cục nhưng lúc đó tôi thấy mọi thứ đều hoàn toàn tự nhiên. Những quả bong bóng nhiều màu lấp lánh dưới ánh đèn bay rợp nhà trông như một đàn bướm vừa kéo vào tránh gió khiến tôi bâng khuâng nhớ lại một thời thơ ấu đã xa.
Lúc đầu trò chơi tuổi thơ này có bơm vào tim tôi đôi chút niềm vui nhưng khi nhìn những quả bong bóng thi nhau vỡ tan, tôi lại nghĩ đến chuyện tình trắc trở giữa tôi và con Rùa, kể từ lúc đó ngực tôi như trĩu xuống và tôi không còn cảm thấy hứng thú nữa.
Con Rùa không hiểu được tâm trạng phức tạp của tôi. Sau khi cùng bé Loan chụm môi vào ống đu đủ thổi bong bóng một cách say sưa, con Rùa hào hứng rủ tôi chủ nhật này vào rừng chơi và mặt nó lộ vẻ buồn khi nghe tôi từ chối:
– Chủ nhật này thằng Thục về, anh phải ở nhà chơi với nó.
Chủ nhật này thằng Thục từ Tam Kỳ về thật. Dĩ nhiên điều đó không ngăn cản tôi đi chơi với con Rùa nếu tôi muốn. Nhưng tôi sợ lang thang trong rừng với con Rùa, những ngọn nến lung linh trong ký ức sẽ tự động thắp lên khiến tôi nhớ lại nụ hôn ngày nào dưới bóng cây leo mặc dù tôi biết tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm ngọt ngào đó. Tôi cũng sợ đi qua con đường cũ, giữa tiếng âm ỉ êm dịu và bất tận của rừng, tắm mình trong bóng mát đầy đặn của cây du sam và cây trắc bá, lý trí của tôi sẽ bị ru ngủ và lúc đó rất có thể tôi sẽ không cưỡng lại được những mệnh lệnh đầy mê hoặc của trái tim rồi phạm phải những sai lầm mới.
Đêm đó tôi rơi vào tình trạng nửa ngủ nửa thức hệt như lúc tôi ngồi chập chờn trên xe đò. Hoàn toàn khác với những gì tôi hình dung lúc còn ở Sài Gòn, chuyến về quê lần này không đem lại cho tôi cảm giác bình yên. Có vẻ như tôi đang tự đẩy tôi vào tình huống chống lại chính mình. Không những thế, bằng cách tệ hại đó tôi còn chống lại cả con Rùa.
Lần trước tôi không hề nói dối con Rùa nửa câu. Bây giờ tôi gần như không có lấy một câu nói thật. Tôi quay về, với mong muốn đánh lên một que diêm trong những tháng ngày u ám của nó, rốt cuộc niềm vui vừa ngời lên trên gương mặt nó đã nhanh chóng bị thái độ xa lánh của tôi thổi tắt. Tôi tự bào chữa tôi hành động như vậy là để bảo vệ cả hai, nhưng thực ra có vẻ như tôi chỉ bảo vệ chính tôi.
Nhưng bây giờ, khi không tìm thấy sự thanh thản như mong đợi, tôi chợt nhận ra tôi đang đánh lừa mình. Đã biết tình yêu con Rùa dành cho tôi luôn vững chãi qua thời gian, vậy mà bây giờ chính tôi lại ra tay đánh sập cái lô cốt tình cảm đó – mỗi lần nghĩ tới điều này lòng tôi không khỏi nhói đau. Điều khiến tôi dày vò nhất là ngay cả con Rùa cũng chẳng biết tại sao tôi lại nhẫn tâm đánh thuốc độc vào tình yêu của hai đứa. Nhưng liệu tôi có thể làm khác đi, khi mà bất cứ một giây phút yếu mềm nào cũng có thể dẫn đến những sai lầm khó bề tha thứ?
Tôi trằn trọc gần như suốt đêm, đau đớn dưới móng vuốt của nỗi dằn vặt và sáng hôm sau đợi con Rùa chở bé Loan đi học, tôi vội vã băng qua cầu treo trở về nhà thím Lê.
Tôi ở nhà thím Lê suốt ngày hôm đó. Tối, tôi cũng không lên chơi nhà cô Út Huệ theo thói quen. Thằng Thục vắng nhà, tôi lôi sách ra đằng bàn ngồi đọc, cố chú tâm vào các trang chữ để đầu óc không nghĩ ngợi vẩn vơ. Nhưng càng dán người vào chiếc bàn bên cửa sổ tôi lại nhớ đến cái ngày con Rùa nấp ngoài hè nhìn trộm tôi. Tôi nhớ đôi mắt đen láy lấp ló chỗ khe liếp, nhớ tiếng chân chạy thình thịch khi bị tôi phát hiện, nhớ mái tóc cắt vụng rụt rè nhô lên bên ngoài cửa sổ như một bụi cây gai.
Đáng lẽ tôi phải tìm cách quên đi những kỷ niệm nhưng nỗi nhớ tràn về khiến tôi không cưỡng được ước muốn ngẩng đầu lên khỏi trang sách nhìn ra sân, cố hình dung gương mặt con Rùa trong bóng tối và khổ sở nhận ra tôi vẫn còn yêu thương nó xiết bao.
…
Tối hôm sau tôi tiếp tục không lên xóm trên.
Tối hôm sau nữa cũng vậy.
Tôi biết tôi đang hành hạ mình.
Tôi biết tôi đang làm đau tôi và làm đau con Rùa.
… Bạn đang đọc truyện Ngồi khóc trên cây tại nguồn: http://truyensextv.moe/ngoi-khoc-tren-cay/
Trong những ngày chôn mình ở nhà thím Lê, tôi nghĩ tôi nên quay về Sài Gòn càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng này nhưng tôi muốn đợi thằng Thục. Còn hai ngày nữa là đến chủ nhật, gặp thằng em họ xong tôi sẽ xuống đường quốc lộ đón xe vào phương Nam.
Những ngày đó, tôi toàn nghĩ và nghĩ, óc lúc nào cũng ong ong như có ruồi bay trong đầu.
Tối ngày thứ ba, ăn cơm xong tôi bồn chồn thả bộ ra trước sân. Đi loanh quanh một hồi, tôi ngồi tựa lưng vào góc me trước ngõ ngước nhìn sao giăng chi chít trên bầu trời đêm, lòng rưng rưng nhớ đến buổi tối tôi hỏi đố con Rùa về chòm sao Hiệp Sĩ.
Hình ảnh đêm hôm nào hiện về khiến người tôi run lên.
– Em đừng trách anh nhé Rùa! – Ý nghĩ trong đầu tôi tự dưng bật ra thành tiếng.
Trả lời tôi chỉ có tiếng dế kêu ri ri trong cỏ tháng năm.
– Anh có lỗi với em nhiều lắm! – Tôi tiếp tục thì thầm với ngàn sao.
Trả lời tôi là những giọt sương đêm rơi âu sầu trên tóc.
Sương tiếp tục rơi mềm tóc tôi và tôi lại nghe tiếng mình lan đi buồn bã trong gió đêm:
– Giờ này em đang làm gì hả Rùa?
Tôi nghe tiếng ai như tiếng con Rùa trả lời tôi:
– Em đang khóc.
Tôi gục xuống như bị ai đánh mạnh vào đầu, trong một phút nghe lòng vữa ra. Có lẽ tôi phải sớm quay về Sài Gòn như dự định. Ở lại làng thêm ngày nào, thần kinh tôi càng bất ổn. Trái tim tôi đã bị nỗi đau xay thành bột và bây giờ đến lượt đầu óc tôi bắt đầu được cho vào máy nghiền.
Sương vẫn rơi trên tóc tôi. Và tiếng con Rùa lại vang lên:
– Tại sao anh không chơi với em nữa?
Lần này tôi nghe rõ tiếng con Rùa vẳng tới từ đâu đó, không phải vọng ra từ trong tâm tưởng của tôi như tôi vẫn nghĩ.
Lòng đầy nghi hoặc, tôi quay đầu nhìn dáo dác. Trước mặt tôi, hàng giậu mồng tơi chạy thành một đường viền nhấp nhô quanh sân. Những bụi cây chạm lên nền trời xanh đen những hình khối kỳ dị. Hoàn toàn không có bóng người nào ở cạnh tôi.
Trong khi tôi đang ngơ ngác, bất thần một tiếng gì như tiếng nấc gieo xuống từ trên cao.
Tôi ngước mắt nhìn lên, ngạc nhiên khi thấy có ai ngồi vắt vẻo trên cành me.
– Em hả Rùa?
Tôi hỏi, ngạc nhiên và mừng rỡ, không tin vào mắt mình.
Con Rùa đáp lời tôi bằng cách lặng lẽ tụt xuống khỏi cành cây.
Khi nó lại gần, tôi thấy mặt nó nhòe nước dưới ánh sao. Con Rùa là đứa con gái cứng cỏi, không dễ khóc, nhưng từ khi chúng tôi quen nhau tôi đã tát cạn của nó bao nhiêu là nước mắt. Tôi ác ghê!
Tôi sờ tay lên mặt nó, để nghe những đầu ngón tay ướt lạnh.
– Nín đi em!
Tôi bùi ngùi nói, thầm đoán con Rùa chắc đã khóc nhiều lắm. Ờ nhỉ, trời chưa vào khuya, sương đâu đã tụ. Chính nước mắt của con Rùa đọng thành sương, rơi trên tóc tôi nãy giờ đó thôi.
– Em tới lâu chưa? – Tôi hỏi, cảm thấy câu hỏi quá tầm thường so với những gì đang xảy ra nhưng không nghĩ ra câu nào ít vụng về hơn.
– Lâu rồi. – Con Rùa đáp bằng giọng cố đừng tỏ ra sụt sịt nhưng tôi vẫn nghe giọng nó nghèn nghẹt như phát ra từ đắng sau một chiếc khăn tay.
Tôi hỏi lại, lòng chùng xuống:
– Sao em không vô nhà mà leo lên cây ngồi?
– Em ngồi trên cây nhìn vô được rồi. Anh có chơi với em nữa đâu. – Giọng con Rùa hờn dỗi như trẻ con.
Tôi bất giác cầm tay nó, cũng rất giống như một đứa trẻ con đang làm hòa với một đứa trẻ con khác:
– Anh vẫn thích chơi với em mà.
Rồi không biết làm thế nào cắt nghĩa tại sao vẫn thích chơi với nó mà tôi ở lì nhà thím Lê suốt ba ngày nay, tôi ấp úng lảng sang chuyện khác:
– Thế tối hôm qua, hôm kia…
– Tối hôm qua hôm kia em cũng đến đây. Em ngồi trên cây me ba ngày liền xem anh đang làm gì mà không lên chơi với em.
Tiết lộ của con Rùa làm tôi há hốc miệng. Tôi ngỡ ngàng nhìn nó, sống mũi cay xè, cảm thấy mình tội lỗi ngập đầu. Tôi không ngờ thái độ lạnh nhạt của tôi đã làm nó cực khổ đến vậy.
Tôi muốn thanh minh hoặc nói một câu gì đó để chuộc lỗi nhưng không biết bắt đầu từ đâu, đành thở dài đưa tay gỡ những chiếc lá me li ti bám trên tóc nó.
– Tại sao hở anh? – Con Rùa lại hỏi.
– Tại sao gì cơ? – Tôi hỏi lại, dĩ nhiên là vờ vịt.
– Tại sao anh không lên xóm trên nữa?
– À… ờ… – Tôi ậm ừ, có cảm giác miệng đang ngậm một quả chanh.
Nếu cuối cùng tôi có phun được quả chanh đó ra cũng chỉ để tiếp tục dối gạt con Rùa:
– Anh có việc.
– Việc gì? Tối nào em cũng thấy anh ngồi đọc sách mà.
– Sách giáo khoa của thằng Thục đó em. – Tôi đáp, liên tục xoay chuyển ý nghĩ để nặn ra một lý do chính đáng – Anh đang giải giùm nó mấy bài toán khó.
– Anh đã gặp bạn Thục đâu.
– Nó nhắn về.
Những lời bịa chuyện của tôi có hàng đống sơ hở nhưng con Rùa không hỏi nữa. Nó là đứa cả tin. Bao giờ nó cũng cả tin. Những hành động của tôi hết sức bất thường và đáng nghi, nhưng chỉ cần vài lời giải thích đơn giản của tôi, con Rùa đã lập tức gột sạch khỏi tâm trí những thắc mắc.
Nó nhẹ nhàng tựa đầu vào vai tôi, như hôm nào, thủ thỉ bằng giọng tin cậy và đầy yêu thương:
– Khi nào giải toán xong thì anh lại lên chơi với em nhé.
Bên tai tôi, hơi thở của nó thơm nồng như trái cây.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Ngồi khóc trên cây |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Nguyễn Nhật Ánh, Truyện teen |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 03/08/2016 05:56 (GMT+7) |